Logo

MÌNH KHỔ 1 NGÀY, NGƯỜI TA KHỔ CẢ ĐỜI

23/01/2024|.19003
.

"Mình khổ 1 ngày, người ta khổ cả đời" là lời chia sẻ của bác sĩ Phạm Văn Bình - phó viện trưởng viện K trong chương trình khám bệnh, trao quà, phát thuốc cho 400 người có công với cách mạng và hộ nghèo của 4 xã Mường Luân, Luân Giói, Chiềng Sơ, Háng Lìa - huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên vào ngày 20/01/2022.

Hành trình vượt núi băng đèo

4h sáng, đoàn hơn 20 bác sĩ đầu ngành từ Viện K, Viện Việt Đức, Viện Bưu Điện, Viện Xanh Pôn, Viện Bạch Mai, Viện Tâm Anh do bác sĩ Phạm Văn Bình - phó viện trưởng viện K làm trưởng đoàn cùng Đại Đức Thích Nguyên Chính và 10 thầy cô giáo của Trạng Nguyên Education đã lên xe rời thành phố Điện Biên Phủ để về với xã Mường Luân huyện Điện Biên Đông. Đón đoàn là những khúc cua gắt, những núi, những đèo. Sương mù vây kín, có những nơi hóa thành mưa nặng hạt. Rét, buốt của núi rừng thấm vào da thịt.
Chỉ có hơn 70km thôi mà phải mất gần 3 tiếng đồng hồ xe mới đến nơi, trời bắt đầu hửng sáng. 7h đến nơi, đồng chí Nguyễn Văn Tăng - Phó chủ tịch UBND Huyện Điện Biên Đông, đồng chí Lò Văn Sơn - bí thư đảng ủy xã Mường Luân cùng hơn 400 bà con dân bản đã chờ sẵn.

Những mảnh đời chưa biết đến máy siêu âm, điện tim

Huyện Điện Biên Đông là 1 trong 6 huyện nghèo nhất cả nước. Dân số 30% là người Lào, còn lại là người H'Mông gồm H'Mông hoa, H'Mông trắng, H'Mông đỏ, H'Mông xanh, H'Mông đen. Hiện có gần 7.000 hộ nghèo với 2.000 hộ không có gạo ăn tết. Ban Lãnh đạo huyện vừa phải trích quỹ, vừa đi xin các quỹ từ thiện để lo cho bà con ăn tết. Đến khám bệnh theo chương trình chỉ là những gia đình đặc biệt khó khăn của 4 xã nghèo nhất - có thể nói đây là những xã nghèo nhất cả nước. Có những người dân nghèo chưa bao giờ được đi ra khỏi huyện, thậm chí có những người chưa được nhìn thấy máy siêu âm, điện tim bao giờ.

Hoàn cảnh đặc biệt là ông Lò Văn Ban bị mù từ năm 14 tuổi, một con nhỏ học lớp 2, một con gái học lớp 8. Để đến khám, các đồng chí đoàn viên thanh niên đã đến tận nhà đưa, đón ông.

Đội ngũ các y, bác sỹ hàng đầu của Hà Nội đã khám tổng quát, đo huyết áp, khám tai mũi họng, đo điện tim, siêu âm tổng quát, đồng thời phổ biến kiến thức phòng tránh một số bệnh từ đó giúp người dân nâng cao sức khoẻ cho bản thân và gia đình.

Ấm áp nghĩa tình

Mỗi người dân đến khám không chỉ được thăm hỏi ân cần, động viên, quan tâm mà còn được phát thuốc theo bệnh. Các loại thuốc bổ, vitamin, thuốc tăng sức đề kháng, thuốc nhỏ mắt, nước rửa tay cùng với 400 xuất quà gồm muối, nước mắm, dầu ăn đã được trao tận tay bà con dân bản.

Ấm áp ở đây là sự đoàn kết của ban lãnh đạo huyện, các xã, các xóm cùng một lòng lo lắng cho bà con, chỉ mong cho đời sống của bà con bớt khổ.
Nghĩa tình ở đây là không phân biệt dân tộc, miền xuôi, miền ngược để chung tay, góp sức làm việc tử tế, tận tâm.
20h tối, đoàn khám chữa bệnh ra về mà sự trăn trở còn ở lại. Đúng là "chúng tôi chỉ khổ 1 ngày còn người dân khổ cả đời". Chỉ mong sao có nhiều hơn nữa những chương trình thiện nguyện ý nghĩa như này, thiết thực như này để giúp bà con. Cái bà con cần không chỉ là vật chất mà còn cần tác động đến tư duy, lối nghĩ, cảm xúc để họ có thể tự phát triển được bản thân mình, làm giàu cho gia đình mình từ đó làm giàu cho xã hội.