Ngày 25 - 26/7/2024, đại biểu Công ty TNHH Đầu tư Giáo dục Trạng Nguyên đã tham dự Hội nghị Hướng dẫn dạy và học Tiếng Việt cho trẻ em là người dân tộc thiểu số trước khi vào lớp 1 tại thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai và có dịp ghé thăm trường Tiểu học Sa Pa để trao tặng giấy chứng nhận trường có số lượng học sinh tham gia Trạng Nguyên Tiếng Việt chiếm tỷ lệ cao cùng nhiều phần quà ý nghĩa. Điều này đã trở thành một minh chứng rõ nét nhất trong công tác phát triển giáo dục của trường Tiểu học Sa Pa nói riêng và của toàn thị xã nói chung.
Điểm sáng trong công tác đổi mới giáo dục vùng cao
Trong những năm gần đây, cùng với sự quan tâm, đầu tư của các cấp, các ngành cho công tác giáo dục và đào tạo, nhiều trường học trên địa bàn thị xã Sa Pa đã không ngừng nỗ lực sáng tạo, thực hiện đổi mới trong quá trình dạy và học. Nhiều phương pháp giáo dục được đưa vào trường học như thực hiện mô hình giảng dạy và quản lý dựa trên bài học điện tử, đổi mới hoạt động kiểm tra... nhằm phát triển và nâng tầm chất lượng hệ thống giáo dục ở địa phương.
Trường Tiểu học Sa Pa là một trong những trường đi đầu trong công tác ứng dụng công nghệ thông tin vào quá trình giảng dạy. Để thúc đẩy quá trình chuyển đổi số, Trường Tiểu học Sa Pa đã huy động mọi nguồn lực để đầu tư trang thiết bị phục vụ công tác giáo dục như tivi, máy chiếu, máy tính, webcam, loa, mic,... Đồng thời, trường luôn sát sao, quan tâm bồi dưỡng kỹ năng ứng dụng, sử dụng các thiết bị công nghệ thông tin cho cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên trong trường để hỗ trợ trong công tác quản lý và giảng dạy tại trường.
Thầy Dương Xuân Chính, Hiệu trưởng Trường tiểu học Sa Pa cho biết: “Chuyển đổi số trong nhà trường sẽ giúp học sinh chủ động trong học tập, được trải nghiệm nhiều hơn qua tương tác trên môi trường số. Từ đó, giúp học sinh dễ nắm bắt kiến thức và nâng cao chất lượng giáo dục. Đặc biệt, nhờ có học liệu số và môi trường học tập số đó mà mô hình, cách thức dạy học được đổi mới theo hướng hiệu quả hơn”.
Nền giáo dục ở Sa Pa gặt hái quả ngọt
Với đầu tư về chất lượng trang thiết bị dạy học, công tác giáo dục tại trường Tiểu học Sa Pa đã không ngừng “khởi sắc” với thành tích ấn tượng. Trong cuộc thi Trạng Nguyên Tiếng Việt cấp trường có 383/508 học sinh đạt giải, cuộc thi Trạng Nguyên Tiếng Việt cấp thị xã có 213 học sinh đạt giải, cuộc thi Trạng nguyên Tiếng Việt cấp tỉnh có 114 học sinh đạt giải. Đặc biệt trong kỳ thi Trạng Nguyên Tiếng Việt cấp quốc gia có 2 học sinh tham gia và đạt giải là: em Đỗ Nhật Uyên đạt giải Nhất và em Nguyễn Ngọc Linh đạt giải Nhì. Đồng thời, vừa qua trường đã được Công ty TNHH Đầu tư Giáo dục Trạng Nguyên trao tặng giấy chứng nhận trường có số lượng học sinh tham gia Trạng Nguyên Tiếng Việt cao.
Những con số ấn tượng trên đã khẳng định trường Tiểu học Sa Pa nói riêng và toàn thị xã nói chung đã và đang từng bước thành công trong hành trình đổi mới công tác dạy và học, đưa nền giáo dục ở vùng cao Việt Nam đến gần hơn với công cuộc hội nhập quốc tế trong thời đại “chuyển đổi số” trên toàn cầu.
Để tiếp tục nâng cao chất lượng học tập cho trẻ em vùng sâu vùng xa có hoàn cảnh khó khăn, trong hai ngày 25 – 26/7/2024 vừa qua, Vụ Giáo dục tiểu học, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức Hội nghị hướng dẫn dạy và học Tiếng Việt cho trẻ em vùng dân tộc thiểu số trước khi vào lớp 1. Đây là một trong những chương trình được tổ chức với mục tiêu nhằm chuẩn bị tâm thế sẵn sàng, chủ động cho trẻ trong học tập, hình thành kĩ năng học tập cơ bản và năng lực nghe, nói, hình thành, phát triển năng lực đọc, viết, sử dụng Tiếng Việt, kĩ năng giao tiếp, ứng xử xã hội cho trẻ em là người dân tộc thiểu số.
Công ty TNHH Đầu tư Giáo dục Trạng Nguyên không chỉ tham dự hội nghị với vai trò là đại biểu mà còn mong muốn góp một phần công sức vào quá trình nâng cao chất lượng giáo dục, đem con chữ tới từng ngõ ngách, bản làng để không có em nhỏ nào bị bỏ lại phía sau.