Trong dòng chảy lịch sử Việt Nam, hình ảnh những người phụ nữ anh hùng luôn tỏa sáng như những đóa hoa đẹp giữa gió bão. Những câu chuyện về sự hy sinh, lòng quả cảm và tinh thần bất khuất của họ vẫn vang vọng, truyền cảm hứng cho thế hệ hôm nay và mai sau. "Chị đẹp" đạp gió, không chỉ là hình ảnh của sự mạnh mẽ, mà còn là biểu tượng của tinh thần Việt Nam bất diệt.
1. "Chị đẹp" Trưng Trắc và Trưng Nhị - Hai Bà Trưng
Tại mảnh đất Giao Chỉ của nước ta những năm bị giặc ngoại xâm phương Bắc đô hộ, một Lạc tướng ở huyện Mê Linh sinh hạ hai người con gái, cô chị là Trưng Trắc, cô em là Trưng Nhị, sau này họ đều trở thành những bậc anh hùng của dân tộc, có công lao lớn trong lịch sử chống giặc ngoại xâm.
Từ nhỏ, Trưng Trắc và Trưng Nhị đã được thừa hưởng ý chí anh dũng của cha, là con cháu dòng dõi Lạc tướng, hai chị em có tính cách mạnh mẽ, mê say võ thuật, khí thế ngoan cường.
Lớn lên trong cảnh đất nước bị đô hộ bởi nhà Đông Hán (Trung Quốc), chịu ách thống trị hà khắc bởi nhiều thứ thuế, bắt dân ta phải cống nạp nhiều sản vật quý hiếm, chiếm ruộng đất và đánh đập dân ta tàn bạo, đời sống nhân dân vô cùng cực khổ, đỉnh điểm là chính sách đồng hóa gắt gao của quân Đông Hán, ngày càng đẩy nhân dân ta vào bước đường cùng. Không chịu được cảnh đất nước lầm than, Trưng Trắc đã cùng chồng mình là Thi Sách đã kêu gọi nhân dân trong vùng đứng dậy chống lại quân Đông Hán.
Lúc bấy giờ, Thái thú Tô Định của nhà Hán vì muốn dẹp yên sự nổi dậy của quân ta, hắn đã bắt Thi Sách, rồi hành quyết ông trước người dân để răn đe và để dạy cho Trưng Trắc một bài học. Ngỡ tưởng rằng Trưng Trắc sẽ sợ hãi mà biết đường lui, nhưng cái chết của chồng đã khơi dậy lòng kháng chiến của bà càng thêm mạnh mẽ.
Năm 40 sau công nguyên, Trưng Trắc đã cùng em gái Trưng Nhị đứng dậy phất cờ khởi nghĩa tại Mê Linh, được sự hưởng ứng của nhân dân và các Lạc tướng trong vùng, đội quân của hai bà Trưng càng thêm mạnh mẽ, nghĩa quân đi đến đâu, đều dẹp yên giặc Đông Hán đến đấy, giặc Đông Hán nghe đến tên hai bà đều khiếp, thái thú Tô Định phải cải trang bỏ chạy về nước. Cuộc khởi nghĩa của hai bà thành công thắng lợi, chiếm được thành Luy Lâu và 65 thành khác. Trưng Trắc được nhân dân tôn làm nữ vương, xưng là Trưng Nữ Vương, bà cũng là nữ vương đầu tiên của nước ta. Bà xây dựng lại đất nước, phát triển nông nghiệp và các lĩnh vực khác.
Hòa bình được 2 năm, năm 43 sau công nguyên, nhà Hán tiếp tục xâm lược nước ta, hai bà lại một lần nữa quyết tâm chống giặc, tuy nhiên quân Hán quá mạnh, đội quân của hai bà Trưng đã anh dũng chiến đấu, cùng với tinh thần bất khuất, quật cường nhưng không thể chống lại được quân thù. Đến phút cuối cùng, hai bà Trưng cũng không thể đánh bại được giáo gươm của giặc, hai bà đã gieo mình xuống sông Hát để bảo vệ thanh danh và lòng thành kính với dân tộc.
Cuộc khởi nghĩa của hai bà Trưng và sự hy sinh của hai bà đã mở đầu cho quá trình kháng chiến chống giặc ngoại xâm của đất nước, thể hiện tinh thần yêu nước và khơi gợi tinh thần đấu tranh vì hòa bình cho những cuộc khởi nghĩa sau này.
“Tôi muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp luồng sóng dữ, chém cá trường kình ở Biển Đông. Lấy lại giang sơn, dựng nền độc lập, cởi ách nô lệ, chứ không chịu khom lưng làm tì thiếp cho người đời.” Những lời đanh thép trên, ấy vậy, mà lại xuất phát từ một người phụ nữ, 23 tuổi đã cưỡi voi phất cờ khởi nghĩa, dẹp loạn giặc Ngô, báo thù cho nước nhà. Người con gái ấy tên Triệu Thị Trinh, hay người còn gọi là “Bà Triệu”, sinh ra và lớn lên tại Quan Yên quận Cửu Chân (tức huyện Yên Định tỉnh Thanh Hóa ngày nay)
Thuở còn nhỏ, lại là phận nữ nhi trong gia đình, những việc thêu thùa dệt vải hay lo việc giữ lửa mới là bổn phận, nhưng Triệu Thị Trinh lại có niềm mê say với võ thuật, tính cách gan ruột, chí khí vang trời khi bà khẳng định mai sau sẽ noi gương những bậc tiền bối “chống giặc ngoại xâm, giành lại độc lập cho dân tộc”.
Năm 248, quân Ngô giày xéo, đọa đày dân ta đến cùng cực, chúng đặt ra nhiều thứ thuế và thẳng tay đàn áp nhân dân ta rất tàn bạo. Bất bình trước cảnh lầm than và xuất phát từ lòng yêu nước thương dân, bà Triệu đã cùng anh trai của mình là Triệu Quốc Đạt hô hào nhân dân trong vùng đứng dậy khởi nghĩa.
Được sự hưởng ứng mạnh mẽ, cuộc khởi nghĩa đã chính thức bùng nổ tại núi Nưa (Triệu Sơn, Thanh Hóa), nghĩa quân của hai anh em họ Triệu đi đến đâu đều đánh bại giặc ngoại xâm đến đây, binh lính và quan lại nhà Ngô đều bị giết và bỏ trốn về nước, tiếng vang của cuộc khởi nghĩa gây chấn động một cõi thuở bấy giờ.
Trước tình hình cuộc khởi nghĩa đang trên đà giành thắng lợi, Triệu Quốc Đạt lại lâm bệnh nặng và qua đời, được nhân dân ủng hộ và tin tưởng, bà Triệu được suy tôn làm nữ Vương là tiếp tục sứ mệnh thống nhất nước nhà. Vẻ oai phong cưỡi voi đánh giặc cùng khí chất của một bậc anh hùng, khi nghe đến cái tên “Triệu Hải Lệ Vương” giặc Ngô ai cũng khiếp sợ và truyền nhau câu nói :
“Vung tay đánh giặc xem còn dễ
Đối diện bà Vương mới khó sao”
Lúc bấy giờ vua Ngô, là Tôn Quyền đã cử 8.000 binh lính sang dập tắt nghĩa quân của bà Triệu. Trải qua vài tháng chiến đấu quyết liệt, quân ta không đủ sức kháng cự lại thế quân mạnh của địch, bản thân bà Triệu cũng bị thương nặng trong lúc giao chiến, trước tình thế lực bất tòng tâm, bà Triệu quyết định giải tán nghĩa quân và rút gươm tự sát tại núi Tùng (Thanh Hóa) để giữ gìn thanh danh và lòng thành kính với tổ quốc. Sau này nhân dân tại đây đã chôn cất và lập miếu thờ để tỏ lòng biết ơn đến công lao to lớn của bà.
Mặc dù cuộc khởi nghĩa bà Triệu tuy thất bại, nhưng đã nói lên tinh thần yêu nước và không chịu khuất phục của nhân dân ta trước bất kì một kẻ thù nào, cuộc khởi nghĩa cũng đã khơi gợi tinh thần kháng chiến và để lại nhiều bài học kinh nghiệm cho các cuộc khởi nghĩa sau này, là mốc son chói lọi của lịch sử dân tộc, trong hơn 1000 năm bị các triều đại phong kiến phương Bắc đô hộ.
(Theo Khánh Hạ kể)
Dưới thời phong kiến, đất nước ta bị đè nặng bởi những tư tưởng lạc hậu, cổ hủ, trong đấy phải nói đến vấn đề trọng nam khinh nữ vô cùng sâu sắc. Địa vị của người phụ nữ trong xã hội rất thấp kém, họ không được coi trọng, không có nhiều quyền lợi và thậm chí là không được đi học. Ấy vậy mà dưới thời nhà Mạc, lại có một nữ nhân giả trai đi thi hội, không hề thua kém nam sĩ tử thời đó, bà còn đỗ đầu khi chỉ mới 20 tuổi, bà là Diệu Huyền, tên thật là Nguyễn Thị Duệ, sinh ra và lớn lên tại Chí Linh, thành phố Hải Dương ngày nay.
Sau kì thi hội, vua Mạc mở yến tiệc để chiêu đãi các sĩ tử, với thân hình mảnh khảnh, gương mặt nhỏ nhắn, thanh tú, Nguyễn Thị Duệ đã không qua khỏi mắt của nhà vua, khi ấy, những tội chống lại vua và triều đình là rất nặng. Tuy nhiên, sau khi vua Mạc phát hiện ra bà là nữ nhân, không những không hỏi tội, mà còn tán dương và khâm phục tài năng của bà, nhà vua đã mời Nguyễn Thị Duệ vào cung dạy học và lễ nghi cho các phi tần, sau này nhờ vào tài năng, phẩm hạnh và nhan sắc, Nguyễn Thị Duệ đã được phong làm Phi.
Năm 1625, đất nước loạn lạc, Trịnh - Nguyễn phân tranh, Nguyễn Thị Duệ phải chạy đi lánh nạn, bà bị chúa Trịnh bắt, nhờ vào tài năng của mình, chúa Trịnh vô cùng ngưỡng mộ và đã mời bà về vương phủ dạy học, tuyển mộ nhân tài và chấm chọn ở những hội thi.
Suốt cuộc đời của bà gắn liền với hai chữ giáo dục, bà cũng là người đã nghĩ ra hình thức dạy học từ xa, bởi điều kiện nước ta thời đó không thể đáp ứng cho tất cả mọi người đều được đi học, bà đã gửi tài liệu học qua thư cho mọi học trò, học trò sẽ làm bài và gửi lại bài cho bà chấm chữa.
Với tấm lòng hiền hậu và sự nhiệt thành, Nguyễn Thị Duệ sẵn sàng dạy học cho người nghèo, bà mở nhiều lớp học, ôn tập cho nhiều sĩ tử, nhiều trạng nguyên, bảng nhãn đều là học trò của bà.
Đến năm 70 tuổi, sau khi đã dành trọn cả đời cho việc dạy học, Nguyễn Thị Duệ xin về quê an dưỡng tuổi già, tại đây bà mở “Đào Hoa” một nơi để các sĩ tử trong làng hay những người ham học đến đọc sách. Năm 81 tuổi, bà qua đời vì tuổi già, người dân nơi đây đã lập Miếu và thờ cúng bà hàng năm.
Nguyễn Thị Duệ là đại diện cho một tinh thần hiếu học, vượt lên số phận thành công, bà là tấm gương sáng đáng để ta học hỏi, không chỉ thời kỳ đó mà cho cả lớp người trẻ ngày hôm nay. Bà được coi là vị nữ tiến sĩ đầu tiên của nước ta, năm 2004 bà được đúc tượng đồng để tưởng nhớ và ghi công trong sự nghiệp giáo dục của nước nhà.
Võ Thị Sáu sinh ra tại huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Năm 14 tuổi, chị Sáu theo anh trai tham gia cách mạng và luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao như: liên lạc, tiếp tế, ném lựu đạn phục kích giặc.
Trong một lần được giao nhiệm vụ ném lựu đạn, tiêu diệt hai chỉ điểm viên của thực dân Pháp, chị Sáu không may bị bắt. Trước sự tra tấn tàn bạo của quân thù, chị quyết không khai báo và luôn lạc quan, tin tưởng vào chiến thắng của đất nước. Trước tinh thần đấu tranh quyết liệt của chị Võ Thị Sáu, thực dân Pháp và tay sai mở phiên toà, kết án tử hình đối với nữ chiến sĩ trẻ.
Tại phiên toà, Võ Thị Sáu mới 17 tuổi, chị hiên ngang khẳng định: “Yêu nước, chống bọn thực dân xâm lược không phải là tội”. Khi nhận án tử hình, chị Sáu không hề run sợ mà hô to: “Đả đảo thực dân Pháp!”, “Kháng chiến nhất định thắng lợi!”.
Ra đến pháp trường, chị đã ngắt một bông hoa còn ướt đẫm sương đêm cài lên tóc. Chị Sáu nhất quyết không quỳ xuống. Chị yêu cầu không bịt mắt vì chị muốn ngắm nhìn vẻ đẹp của đất nước. Chị cất cao tiếng hát “Tiến quân ca” và hi sinh anh dũng trước tràng súng của địch.
(Nhã An kể)