Logo

SỬ DỤNG CÔNG NGHỆ TRONG GIẢNG DẠY: ƯU ĐIỂM VÀ THÁCH THỨC

23/08/2023|.129412
.

Trong thời đại công nghệ số ngày càng phát triển, việc sử dụng công nghệ trong giảng dạy đã trở thành xu thế tất yếu. Công nghệ mang đến nhiều ưu điểm vượt trội trong việc nâng cao chất lượng giảng dạy và học tập. Tuy nhiên, việc tích hợp công nghệ cũng đem đến một số thách thức đáng chú ý. Bài viết này Trạng Nguyên sẽ trình bày một số ưu điểm và thách thức khi sử dụng công nghệ trong giảng dạy và cách giải quyết chúng để tối ưu hóa quá trình học tập và giảng dạy.

I. Ưu điểm của sử dụng công nghệ trong giảng dạy

1. Tăng sự hấp dẫn, thú vị và tương tác

Thông qua việc trình chiếu trên các thiết bị điện tử, giáo viên có khả năng tạo ra những bài giảng sống động và hấp dẫn với các hình ảnh, video, và hoạt họa; giúp học sinh dễ dàng hình dung và hiểu bài học một cách trực quan. Các công cụ trực quan hoặc tương tác như sách điện tử (e-book), lớp học ảo hay trò chơi giáo dục online cũng khơi dậy lòng ham muốn học tập của học sinh, tham gia tích cực vào quá trình tương tác với giáo viên.

2. Tích hợp đa dạng kiến thức

Với thiết bị điện tử và mạng Internet, cả thầy và trò đều có thể truy cập vào nguồn tài nguyên, học liệu đa dạng và phong phú. Nhờ vậy, học sinh có cơ hội tiếp cận kiến thức đa dạng, phong phú, trực quan từ nhiều nguồn khác nhau. Điều này cũng giúp học sinh có thể dễ dàng mở rộng phạm vi kiến thức mà mình có thể học, tìm hiểu thêm về những kiến thức bổ ích có liên quan hoặc ngoài lề bài giảng. Trẻ sẽ học hỏi toàn diện những kiến thức liên quan đến chủ đề bài giảng, cũng như thỏa sức khám phá những điều mới lạ khác.

Su dung cong nghe trong giang day uu diem va thach thuc 1.jpg
Tích hợp đa dạng kiến thức

3. Tiết kiệm thời gian và tài nguyên

Sử dụng công nghệ trong giảng dạy giúp tiết kiệm nhiều thời gian và tài nguyên so với phương pháp giảng dạy truyền thống. Các công cụ và tài nguyên trực tuyến giúp giáo viên nhanh chóng tạo và chia sẻ nội dung giảng dạy, từ đó tập trung vào việc tương tác và hỗ trợ học sinh một cách hiệu quả.

II. Thách thức của sử dụng công nghệ trong giảng dạy

1. Khiến trẻ dễ mất tập trung 

Các thiết bị điện tử có thể là tác nhân khiến trẻ gây xao nhãng trong quá trình học tập. Trẻ con dễ dàng bị kích thích bởi ham muốn được thư giãn, giải trí, dẫn đến mất tập trung và giảm sút hiệu quả tiếp thu kiến thức. Ngoài ra, các bài giảng trình chiếu trực quan, sinh động đôi khi lại khiến trẻ chú ý đến những yếu tố bên ngoài như hình ảnh trang trí sặc sỡ hoặc các thiết bị hiện đại mới lạ. Chính vì vậy trong quá trình sử dụng công nghệ khi giảng dạy, các thầy cô cần theo dõi và đảm bảo sự tập trung của học sinh, đồng thời giữ kỷ luật của lớp.

2. Sự chênh lệch về khả năng sử dụng công nghệ

Về chênh lệch khả năng sử dụng công nghệ trong giảng dạy, có hai trường hợp phổ biến thường xảy ra. Trường hợp đầu tiên là những giáo viên thế hệ trẻ tích hợp công nghệ cho đối tượng là các bạn học sinh ở độ tuổi tiểu học hoặc tiền tiểu học. Các thầy cô trẻ có thể dễ dàng sử dụng thiết bị điện tử và công nghệ do lớn lên trong thời kỳ internet, máy tính hay smartphone bùng nổ tại Việt Nam. Tuy nhiên, các bạn nhỏ thì lại chưa được thành thạo như vậy, nên thầy cô cần phải sẵn sàng hỗ trợ các em nếu muốn áp dụng công nghệ hiệu quả.

Su dung cong nghe trong giang day uu diem va thach thuc 2.jpg

Ngược lại, cũng có trường hợp các bạn học sinh lại là những người sử dụng công nghệ tốt hơn so với giáo viên – thường là những thầy cô giáo đã đứng tuổi. Lúc này, thầy cô cần tích cực làm quen và dần dần cải thiện khả năng thích nghi với công nghệ, dùng những phương pháp phù hợp, hiệu quả mà không quá khó khăn trong việc áp dụng. Các thầy cô cũng nên trao đổi với học sinh để cùng nhau tìm ra những phương án giảng dạy thú vị mà vẫn đảm bảo hiệu quả tiếp thu bài học.

3. Phụ thuộc vào công nghệ

Các thiết bị điện tử sẽ hỗ trợ rất nhiều trong công tác giảng dạy và truyền đạt kiến thức cho học sinh, tuy nhiên các giáo viên cũng không nên quá lạm dụng chúng trên trường lớp. Bởi lẽ nếu quá phụ thuộc vào chúng, giáo viên sẽ gặp khó khi gặp sự cố như mất tín hiệu Internet, hết pin, để quên thiết bị điện tử. Hãy sử dụng công nghệ như một công cụ hỗ trợ đắc lực, nhưng cũng cần vững vàng về chuyên môn, khả năng giảng dạy, cũng như chuẩn bị sẵn kế hoạch dự phòng (ví dụ: tài liệu bản cứng) để đảm bảo quá trình giảng dạy diễn ra xuyên suốt và hiệu quả.

Đọc thêm: VAI TRÒ (MỚI) CỦA THẦY CÔ GIÁO TRONG KỶ NGUYÊN 4.0

Chúng ta không thể phủ nhận rằng, công nghệ trong giảng dạy là một thành tố quan trọng góp phần hỗ trợ và cải thiện khả năng học tập của học sinh. Tuy vậy, giáo viên cũng cần nắm rõ những ưu, nhược điểm của công nghệ, qua đó sử dụng chúng một cách hợp lý.