Logo

4 KỸ NĂNG QUẢN LÝ LỚP HỌC HIỆU QUẢ DÀNH CHO GIÁO VIÊN TIỂU HỌC

23/08/2023|.125306
.

Đối với giáo viên tiểu học, việc quản lý các em học sinh là một nhiệm vụ đầy thách thức, đòi hỏi sự kiên nhẫn, biết lắng nghe và cả sự linh hoạt. Để tạo ra môi trường học tập tích cực và hiệu quả, các thầy cô nên trang bị cho mình những kỹ năng quản lý lớp học hữu ích. Do đó, thầy cô hãy nắm bắt và áp dụng ngay 4 kỹ năng quản lý lớp học sau của Trạng Nguyên để việc giảng dạy và kết nối với học sinh dễ dàng hơn nhé.

1. Tạo quy tắc rõ ràng và công bằng

Đối với học sinh tiểu học, các em cần được giải thích rõ ràng về quy tắc và cách thức hoạt động của lớp học. Điều này giúp các em tuân thủ kỷ luật, hình thành trách nhiệm cá nhân và xây dựng tinh thần hợp tác trong lớp học. Từ đó, thầy cô có thể xây dựng môi trường học tập lành mạnh, cũng như dễ dàng trong việc quản lý lớp.

Để tạo ra một môi trường học tập công bằng và rõ ràng, giáo viên có thể thảo luận với các em về các quy tắc mình đặt ra, minh họa chúng theo cách trực quan như bảng hay sơ đồ để học sinh dễ hiểu hơn. Ngoài ra, thầy cô dĩ nhiên cũng cần ví dụ minh họa cho các em hiểu, đồng thời thực hiện, áp dụng theo quy tắc đó một cách công bằng.

2. Kỹ năng quản lý các nhóm nhỏ

Một lớp tiểu học có thể so sánh như một bức tranh đa sắc, với những cá nhân đầy sự tò mò, năng động và thú vị. Do đó, thầy cô nên sắp xếp và chia các bạn vào những nhóm nhỏ hơn, có thể từ 4-10 bạn. Điều này sẽ tạo điều kiện cho các em được tiếp xúc, học tập, hoạt động và tương tác cùng nhau.

4 ky nang quan ly lop hoc hieu qua danh cho giao vien tieu hoc 1.jpg
Kỹ năng quản lý các nhóm nhỏ

Ví dụ, thầy cô có thể chia các em thành 4 tổ theo dãy ngồi như thói quen giảng dạy truyền thống, hoặc chia thành các nhóm khác nhau để dễ quản lý. Việc này còn giúp học sinh học hỏi từ nhau, phát triển kỹ năng xã hội, thúc đẩy tư duy sáng tạo và tạo sự đa dạng trong quá trình học tập.

3. Kỹ năng quản lý thời gian

Kỹ năng quản lý thời gian là một yếu tố quan trọng để tránh tình trạng quá tải và tối ưu hóa hiệu suất giảng dạy. Nhiều giáo viên thường xuyên rơi vào tình trạng “cháy giáo án”, hoặc thiếu thời gian cho các hoạt động ngoại khóa, sinh hoạt lớp, v.v.

Điểm mấu chốt của việc quản lý thời gian hiệu quả là tạo cơ hội cho thầy cô dành thêm thời gian tiếp xúc với các em học sinh. Hãy tổ chức thêm các hoạt động khác để khuyến khích chúng học hỏi hoặc cùng nhau giải trí, hoạt động ngoại khóa. Các em sẽ tăng lòng hảo cảm và kính trọng, quý mến thầy cô hơn, giúp việc quản lý lớp học trở nên dễ dàng và vui vẻ.

4. Kỹ năng giải quyết xung đột

Dù là ở độ tuổi còn nhỏ, nhưng cũng có lúc các em rơi vào tình huống xung đột. Có thể đa phần các mâu thuẫn này chỉ là nhỏ nhặt và có phần đáng yêu (ví dụ như tranh nhau cây kẹo, gói quà), nhưng thầy cô vẫn cần phải giải quyết một cách công bằng.

Để làm được điều đó, việc giao tiếp và lắng nghe cảm xúc là điều vô cùng quan trọng. Giáo viên sẽ là người phân xử công minh trong mắt học sinh, do đó hãy tìm hiểu, cảm nhận và đưa ra nhận định khách quan, từ đó giải quyết xung đột một cách thấu tình đạt lý. Các em sẽ cảm phục và yêu mến thầy cô hơn nếu những khúc mắc, mâu thuẫn của chúng được giải đáp, xử lý ổn thỏa.

Đọc thêm: VAI TRÒ (MỚI) CỦA THẦY CÔ GIÁO TRONG KỶ NGUYÊN 4.0

Trên đây là 4 kỹ năng quản lý lớp học hiệu quả mà các giáo viên tiểu học nhất định không nên bỏ qua. Trạng Nguyên hy vọng thầy cô sẽ có khoảng thời gian tuyệt vời cùng các em trong năm học mới. Ngoài ra, bạn có thể truy cập vào mục Góc thầy cô để theo dõi thêm những bài viết tương tự về việc giảng dạy cho học sinh nhé.