Logo

THẦY HIỆU TRƯỞNG – NGUYỄN ĐỨC THÀNH: "CHỈ MONG CÁC EM CẢ ĐỜI KHÔNG KHỔ!"

25/01/2024|.16426
.

“30 năm một quãng thời gian không dài, mà cũng không ngắn.” câu trả lời nửa đùa, nửa thật cùng với nụ cười hiền của thầy Thành, khi tôi hỏi thầy đã dạy ở đây bao nhiêu năm rồi. Ngay lúc đó, một cô trông cũng đã lớn tuổi, vui vẻ chỉ vào một anh thanh niên đang đứng cạnh thầy: “Đây, lứa học sinh đầu tiên của thầy Thành đây! Bây giờ đang làm trên xã, phục vụ bà con rồi.” Cả ba người cùng cười, nụ cười gần gũi mà thắm tình thầy trò. Hình ảnh đó đã in đậm trong tâm trí tôi, ngay khoảnh khắc đó tôi thấy một người thầy rất gần gũi, bình dị, tận tâm, hạnh phúc. Khoảnh khắc đó tôi cũng hiểu ra sự thiêng liêng của nghề giáo!

Ba mươi năm, thầy Thành đã gắn bó với trường Tiểu học Hoàng Văn Nô, xã Thanh Minh, thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên. Ngay từ khi mới ra trường thầy Thành đã được phân công công tác tại mảnh đất này, thầy đã kiên trì, gắn bó với ngôi trường Hoàng Văn Nô hơn 3 thập kỷ và có lẽ thầy sẽ còn gắn bó đến cuối chặng đường sự nghiệp giáo dục của mình.

Ba mươi năm, thầy đã chứng kiến biết bao sự thay đổi của ngôi trường, đã dẫn dắt biết bao thế hệ học trò, đồng hành cùng biết bao thế hệ thầy cô. Một lời, hai lời chia sẻ không thể nào nói lên hết những trải nghiệm trong ba mươi năm kiên trì “bám bản” của thầy. Từ những ngày ngôi trường còn vắng vẻ, đơn sơ những dãy nhà nhà tranh vách đất, thiếu thốn đủ thứ. Mà khó khăn nhất là việc vận động các em học sinh không bỏ học. Vận động cha mẹ các em hiểu về tầm quan trọng của việc cho con đi học.

Thầy chia sẻ, có những em nhà xa, cách cả chục cây số, nhà trường phải làm chính sách, chi trả mỗi ngày mười nghìn đồng cho một người dân để họ đưa đón các em đi học. Nếu không có ai đưa, đón là các em cũng nghỉ học. Có những em thì thích đi học vì đến trường còn được ăn no, mặc dù mỗi bữa ăn của các em nhà trường được dự án nuôi em hỗ trợ học sinh tám nghìn đồng lăm trăm đồng.

Đến nay, trường Tiểu học Hoàng Văn Nô, tuy đã được nhà nước quan tâm, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất khang trang, trường có 2 điểm trường trung tâm và điểm trường bản Nà Nghè, nhưng đời sống của các em học sinh vẫn  còn rất nhiều khó khăn và thiếu thốn. Do thay đổi địa giới hành chính, trường sáp nhập vào xã Thanh Minh năm 2020, các chế độ, chính sách ưu tiên dành cho các em học sinh, các hộ gia đình khó khăn lại giảm, vậy nên đời sống lại càng khó khăn.

Dẫn đoàn Trạng Nguyên chúng tôi đi thăm từng gia đình các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Đến nhà em nào, thầy cũng kể rất chi tiết về hoàn cảnh các em với mong muốn sẽ ngày càng có nhiều chương trình thiện nguyện dành cho các em, mang cho các em những cơ hội, những tia sáng tương lai. Thầy chia sẻ với đoàn chúng tôi: “Chỉ mong các em cả đời không khổ!”

Trăn trở của một người thầy không chỉ là làm sao để các em có đủ cơm no, đủ áo ấm, mà quan trọng hơn cả là việc chuẩn bị cho các em đầy đủ những hành trang tri thức, hành trang trong tâm hồn để khi ra khỏi vòng tay bao bọc của các thầy cô, của nhà trường các em có thể tự lập, vững bước trên con đường của chính mình. Làm sao để không chỉ các em được đi học, được nâng cao nhận thức mà ngay cả bố mẹ, ông bà, các thế hệ đi trước đang chung sống cùng các em hằng ngày cũng được tiếp cận với những tư tưởng mới, tiến bộ. Như vậy các em mới có một nền tảng vững chắc, hành trang đầy đủ bước vào đời, có thể bay cao, bay xa hơn. Bởi giáo dục một đứa trẻ cần cả một ngôi làng!