Logo

CÁCH ĐỂ CHA MẸ KHÔNG CẦN NẶNG LỜI MÀ CON VẪN NGOAN

21/08/2023|.642302
.

Mỗi khi trẻ mắc lỗi, cha mẹ thường có xu hướng trách mắng, quát nạt để trẻ biết sợ mà không tái phạm. Tuy nhiên, việc này có thể ảnh hưởng xấu tới mối quan hệ của cha mẹ với con nhỏ. Trẻ có xu hướng bắt chước những hành vi, lời nói của người lớn. Cha mẹ thường xuyên lớn tiếng có thể làm hình thành tính cách nóng nảy, cục cằn ở trẻ. Thay vào đó, các cha mẹ nên lựa chọn phương pháp giáo dục thấp giọng để không cần nặng lời mà con vẫn ngoan.


Khái niệm về giáo dục thấp giọng


Phương pháp giáo dục thấp giọng là việc cha mẹ sử dụng giọng nói nhẹ nhàng, ngữ điệu chậm rãi, từ ngữ tích cực để trò chuyện với trẻ. Một số nghiên cứu chỉ ra rằng giọng nói trầm ấm có thể khiến con người bình tĩnh, an tâm hơn. Nhờ vậy, nó không khơi dậy tâm lý phòng thủ, sợ hãi của trẻ và làm cho việc tiếp nhận thông tin trở nên dễ dàng hơn.

Khi cha mẹ nhẹ nhàng nói chuyện, trẻ sẽ bình tĩnh lắng nghe, hiểu ra lỗi sai và tự kiểm điểm. Thấp giọng cũng giúp các cha mẹ kiềm chế cơn nóng giận của mình, tạo môi trường cho sự chia sẻ, cảm thông giữa các thành viên trong gia đình.


Cách áp dụng phương pháp giáo dục thấp giọng 


1. Sử dụng giọng điệu nhẹ nhàng và từ ngữ tích cực


Nhiều bậc cha mẹ rất khó kiềm chế được việc la mắng khi con phạm lỗi. Trong cơn nóng giận, cha mẹ dễ nói ra những lời gây tổn thương tâm lý trẻ. Tuy nhiên, việc nuông chiều cũng khiến trẻ trở nên bướng bỉnh, hay đòi hỏi. Vì vậy, các cha mẹ cần suy nghĩ kỹ trước khi nói với con và nhớ sử dụng giọng điệu, từ ngữ sao cho phù hợp để không cần nặng lời mà con vẫn ngoan.

Thay vì nói: “Con không được làm thế!”, hãy nói: “Con cảm thấy thế nào nếu cha mẹ làm vậy với con?”. Lời nói nhẹ nhàng, cử chỉ ân cần sẽ đem lại hiệu quả cao với con trẻ. Sau đó, trẻ sẽ tự suy nghĩ và hiểu được những điều mà bạn nói.  


2. Giải thích cho trẻ mong muốn của cha mẹ


Trẻ nhỏ rất hiếu động và chưa hề nhận thức đầy đủ, đúng đắn về mọi việc. Vì thế, cha mẹ, cần giải thích, dặn dò trẻ cẩn thận. Chẳng hạn như khi tới khu vui chơi, cha mẹ hãy căn dặn với con về việc chú ý xung quanh, tránh ham vui hoặc cách xử lý khi con bị lạc. Hãy cảnh báo về những hậu quả sẽ xảy ra khi trẻ không nghe lời. Tuy nhiên, cha mẹ chỉ cần nói rõ cho trẻ hiểu và không nên dọa nạt.

Cach de cha me khong can nang loi ma con van ngoan 1.jpg
Giải thích cho trẻ mong muốn của cha mẹ


3. Tránh sử dụng ngôn từ xúc phạm


Trước những lỗi lầm của con nhỏ, cha mẹ nên tránh việc bộc lộ cảm xúc tiêu cực, buông những lời quát tháo, trách mắng. Nó có thể làm tổn thương lòng tự trọng của trẻ nhỏ. Nếu không thể kiềm chế cảm xúc của mình, cha mẹ có thể trở lại nói chuyện với con vào thời điểm khác, sau khi đã bình tĩnh hơn.

Mọi đứa trẻ đều mong muốn được người khác tôn trọng, đặc biệt là cha mẹ. Và khi đạt được điều đó, trẻ sẽ trở nên tự tin, độc lập hơn. Đây là một trong những động lực quan trọng cho sự phát triển nhân cách của trẻ trong quá trình khôn lớn. 


4. Kiên trì lắng nghe


Mục đích dạy bảo trẻ chủ yếu nhằm là giúp trẻ biết bản thân đã mắc phải lỗi lầm gì, hậu quả và nguyên nhân của nó đến từ đâu. Muốn làm được thế thì các bậc cha mẹ cần kiên nhẫn trao đổi, sẵn sàng lắng nghe chia sẻ của trẻ để không cần nặng lời mà con vẫn ngoan.

Hãy trao cho trẻ cơ hội được nói ra suy nghĩ, biểu lộ cảm xúc. Cha mẹ cần tránh sự giấu diếm, ngần ngại chia sẻ với trẻ nhỏ. Điều này sẽ gây ra sự lầm lì, ít nói, e ngại giao tiếp ở trẻ. 


5. Hãy cho trẻ biết hậu quả


Khi trẻ không nghe lời, việc la hét là vô ích và khiến trẻ cứng đầu hơn. Hãy để trẻ tự trải nghiệm một phần hậu quả của những lỗi lầm. Ví dụ, khi trẻ không cất dọn đồ chơi, cha mẹ có thể không cho trẻ chơi trong ngày tiếp theo.

Cach de cha me khong can nang loi ma con van ngoan 2.jpg
Hãy cho trẻ biết hậu quả


6. Dạy trẻ từ những tình huống thực tế


Thông qua mỗi sự việc xảy ra hàng ngày, cha mẹ hãy hỏi ý kiến của trẻ về những tình huống xảy ra thực tế và rút ra bài học. Chẳng hạn như khi thấy người khác xả rác bừa bãi, cha mẹ có thể hỏi trẻ về hậu quả của hành động trên và cùng trẻ bỏ rác lại vào thùng.

Đọc thêm: 3 MẸO TẠO THÓI QUEN TỐT MÀ CHA MẸ NÊN DẠY CHO TRẺ

Trên đây là 6 cách áp dụng giáo dục thấp giọng giúp cha mẹ không cần nặng lời mà con vẫn ngoan. Bạn hãy truy cập vào Trạng Nguyên để theo dõi những bài viết mới nhất về chủ đề chăm sóc con nhỏ.