Làm mẹ, xin hãy… “lười” một chút, một chút!

01/05/2023 | 20:05 1167

Câu chuyện đáng suy ngẫm mà Trạng Nguyên ghi nhận được, xin chia sẻ đúng dịp Quốc tế Lao động 1/5/2023.

Tôi ra Hà Nội sinh sống và làm việc được 5 năm. Ông anh họ giới thiệu cho tôi vào làm sửa chữa lặt vặt cho các căn hộ ở khu chung cư.

Hành nghề cũng khá lâu nên tôi có một vài nhà thuộc diện “khách ruột”. Trong đó, có một gia đình thường gọi tôi đến xử lý đủ thứ, từ ống nước rò cho đến cái bóng đèn cháy.

Nhà này có chồng làm nghề buôn xe máy, luôn bận rộn cả ngày ở ngoài cửa hàng, trong khi vợ ở nhà làm nội trợ, thu vén mọi thứ - trừ những gì cần “sức đàn ông”.

Nhìn cách chị vợ lo cơm ngon canh ngọt, chăm sóc cho đứa hai đứa con đang độ tuổi lớn, tôi thấy người chồng quả là may mắn vì luôn có chỗ dựa vững vàng ở nhà. Nhưng…

Một hôm, chị gọi tôi đến sửa cái máy giặt. Giọng chị khào khào, như thầm thì gì đó. Tôi đã thấy hơi lạ từ lúc ấy.

Khi cậu con trai chị ra mở cửa, tôi phải dụi mắt, nhìn lên nhìn xuống, xem có đúng nhà của vị khách quen hay không.
Đó là vì… căn nhà chẳng như mọi ngày, mà nó bừa bộn một cách kinh khủng. Tôi biết chị là người rất kỹ tính, sạch sẽ, ngày có khi phải lau nhà đến 3 lần. Thế mà...

Thằng bé mở cửa xong, tót ngay lên bàn ăn, mắt với miệng tạo thành một góc 45 độ vì miệng thì ăn mỳ Ý nhồm nhoàm, mắt thì đang gí vào cái máy tính bảng vừa bật vừa cắm sạc. Đứa em cũng y chang vậy.



Cái hộp mỳ đặt của cửa hàng ăn nhanh nguệch ngoạc vết xốt, rớt nhầy nhụa ra mặt bàn, vài giọt nhỏ tong tỏng xuống sàn nhà.
 
Ngó phía phòng của bọn trẻ, tôi thấy quần áo vứt vương vãi, có cái nửa trong tủ, nửa dưới đất.

Tất cả quả là một khung cảnh… hãi hùng!

Tôi hỏi thì mới biết, chị đang bị ốm, chóng mặt, không nhấc người khỏi giường được. Nhà chẳng ai dọn nên mới bừa bãi đến vậy.

Sửa máy xong xuôi, tôi mạnh dạn góp ý: “Bình thường, chị cứ ‘lười’ đi một tí, thì có phải bây giờ đỡ vất vả hơn không?”.

Chị trố mắt nhìn tôi, ý không hiểu.


“Biết là chị làm nội trợ, rảnh rang nên làm hết việc nhà. Nhưng có những việc nhẹ nhàng như dọn dẹp đồ chơi, dọn bàn ăn, rửa bát, quét nhà, gấp quần áo,... thì con nhà chị đã lớp 4 với lớp 2 rồi, hoàn toàn có thể làm được…”.

Chị bảo, các con học hành vất vả, thậm chí đứa lớn lại là con trai, nên… “không muốn con phải làm việc nhà tủn mủn”.

“Trước khi làm được thứ gì to tát, thì con người ta phải có kỹ năng sinh tồn, biết lo những việc cá nhân đã, chị ạ. Nay, chị ốm. Giả sử chị cần đi viện, thì có phải điều đầu tiên mà chị nghĩ đến, lo lắng nhất, là tìm ai chăm sóc 2 đứa trẻ không? Nếu chúng tự lo được phần nào, chẳng phải chị sẽ bớt căng thẳng hơn nhiều sao?”, tôi giãi bày, trong khi chị lắng nghe như “nuốt” từng chữ.

Ở nhà tôi, bọn trẻ cũng tầm tuổi như con chị. Việc đơn giản như dọn bàn sau khi ăn xong, dọn đồ chơi sau khi giải trí, gấp quần áo, hay rán trứng, nhặt rau… là bọn trẻ đều đã được “huấn luyện” kỹ.

“Thay vì sợ con mệt, vất vả, nguy hiểm này kia, thì dạy con làm chủ cuộc sống, sẽ giúp mình đỡ vất vả hơn, chị ạ”, tôi nói trước khi từ biệt chị.

Nhìn cách chị “cảm ơn em” liên tục, tôi tin là thời gian tới, chị sẽ thay đổi dần cách “vận hành” gia đình.

*****

Cho con “lao động” từ bé không đồng nghĩa là “vất vả”, mà để cho con làm những công việc đơn giản, cơ bản học được kỹ năng sống, để nhanh chóng hòa nhập vào tập thể mới, môi trường mới.

“Tuổi nhỏ, làm việc nhỏ, tùy theo sức của mình” - Hãy để cho trẻ nhỏ được lao động trong khả năng của chúng, vì lao động lúc nào cũng là… vinh quang!

T.Q - trangnguyen.edu.vn (ghi)